Tin tức
Chân đất làm máy tách vỏ cà phê

Họ là những nông dân thực thụ, trực tiếp SX trên đồng ruộng, xuất phát từ nhu cầu thực tế mà sáng chế ra nhiều loại máy móc hữu ích phục vụ SX nông nghiệp. Anh Đặng Văn Bảy ở thôn 14, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một trong những người tiêu biểu.

Mặc dù mới học hết lớp 5 trường làng, anh Bảy đã sáng chế thành công máy tách vỏ cà phê và nhiều loại máy nông nghiệp khác nhằm giảm thiểu ngày công lao động, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm.

ĐAM MÊ CƠ KHÍ

Đặng Văn Bảy sinh ra ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em. Anh là con thứ bảy nên bố mẹ đặt luôn tên là Bảy. Do gia đình quá khó khăn, đông con, sự học hành của anh Bảy không đến nơi đến chốn, mới chỉ hết lớp 5. Tuổi thơ của anh gắn liền với những năm tháng nhọc nhằn cùng bố mẹ đi làm thuê, làm mướn tại các lò rèn, gò, hàn, sửa chữa máy xát gạo, máy bơm nước…

Không hiểu tại sao, hồi ấy anh Bảy lại mê nghề cơ khí đến thế và luôn luôn mơ ước sau này sẽ trở thành nhà chế tạo máy. Năm 1986, anh bỏ nhà trốn vào ở cùng một người bạn tại khu kinh tế mới Hà Nam Ninh (nay thuộc xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).

Hồi mới vào đây cuộc sống rất khó khăn, không có tiền, không có nhà. Nay ở nhờ nhà này, mai ở nhờ nhà khác. Ai mướn làm việc gì thì làm việc đó, anh không nề hà việc gì, từ làm cỏ, đào hố trồng cà phê, hái cà phê, sửa máy xay, sửa nhà, đóng mới giường tủ… Làm việc gì anh Bảy cũng nhiệt tình, chu đáo, cẩn thận, vì vậy đi đến đâu cũng được mọi người yêu mến.

Anh Bảy tâm sự: Chắc có lẽ do duyên số, tình cờ trong một lần đi đóng thuê cho gia đình kia một chiếc tủ chè, vì không có nhà cho nên tôi phải ở lại nhà chủ. Hàng ngày cô con gái đi chợ lo cơm nước cho gia đình và cho thợ. Thấy chàng trai trẻ không quản thời gian, ngày đêm toàn tâm toàn ý nắn nót từ đường cưa, lưỡi đục, cần cù chịu khó, lại khéo tay, cô con gái chủ nhà bèn đem lòng thương thầm nhớ trộm.


Anh Đặng Văn Bảy giới thiệu máy tách vỏ cà phê cho BGK chấm thi, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu

Ngày đóng xong chiếc tủ, cũng là lúc ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cho anh chị nên vợ nên chồng. Năm 2007 đám cưới được tổ chức tiệc ngọt, nhưng cũng không kém phần long trọng, bà con hai họ tới dự ai cũng chúc mừng và khen ngợi, quả là một đôi trai tài gái sắc. Cưới xong được vài ngày, hai vợ chồng phải đi phát nương rẫy, cắt cỏ tranh, vào rừng chặt cây tự làm cho mình một túp lều tranh, để cho hai trái tim vàng cư ngụ.

Hồi đó đất chỗ vợ chồng anh Bảy ở hoang vu lắm, được coi là rừng thiêng nước độc. Nhà nước đưa dân ở tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình vào để xây dựng kinh tế mới, ai phát được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không phải mua bán gì.

Vậy nhưng có rất nhiều người không chịu được sốt rét phải bỏ về quê. Vợ chồng anh Bảy cứ ngày đi làm thuê, tối về ăn củ khoai, củ sắn lót dạ, trời sáng trăng lại rủ nhau ra cuốc cỏ tranh, đào hố để trồng cà phê.

Cứ vậy, rỉ rả, ngày qua ngày hai vợ chồng cũng phát được 1 ha đất cỏ tranh. Khi làm đất xong, không có tiền mua cây giống, hai vợ chồng lại tiếp tục đi làm thuê, được ít tiền lại gom mua cây giống, trồng theo từng đợt. Sự cần mẫn của anh chị đã được đất trả công bằng một mùa cà phê bội thu, vừa được mùa, vừa trúng giá. Mấy năm làm ăn được, có tiền vợ chồng anh lại đầu tư mua thêm đất để trồng cà phê, tới nay diện tích đã tăng lên gần 4 ha.

TRỞ THÀNH NHÀ SÁNG CHẾ

Anh Bảy chia sẻ: Hồi đó làm gì có máy móc như bây giờ, cả xã chỉ có 1 - 2 cái máy chà cà phê khô. Cà phê thu hoạch xong mang về phơi thật khô, muốn chà phải đăng ký với chủ máy, nhiều khi đăng ký 5 - 6 ngày họ chẳng chà cho, bởi vì số người có nhu cầu chà cà phê quá nhiều, mà máy thì quá ít nên không làm kịp.

Bức xúc từ thực trạng trên, anh Bảy quyết định tìm hiểu, nghiên cứu, mua sắt thép về làm thử. Với số vốn kiến thức ít ỏi từ khi anh còn đi làm thuê, không khó khăn lắm, năm 1990 anh đã chế được 1 chiếc máy chà dập cà phê. Tuy nhiên trong thời gian hoạt động máy vẫn còn bị hạn chế như khi chà vỏ và nhân lẫn lộn, vẫn phải tốn công quạt, tỷ lệ hao hụt cà phê nhân vẫn cao.

Sau 4 năm vừa đi chà cà phê thuê, vừa nghiên cứu, vừa rút tỉa kinh nghiệm, năm 1994 anh Bảy đã nghiên cứu chế tạo ra máy tách vỏ cà phê, khi vận hành thử thì máy hoạt động tốt. Tưởng mình đã thành công, trong năm ấy anh SX liền 30 cái bán ra cho nông dân, nào ngờ tất cả đều bị lỗi.

Anh lại tới từng nhà xin mang máy về, lại hì hục nghiên cứu chỉnh sửa, sửa hoài không được. Có lẽ thành công chưa mỉm cười đối với anh, ngay đợt ra quân đầu tiên đã bị lỗ 50 triệu, thời điểm đó là lớn lắm. Bao nhiêu vốn liếng hai vợ chồng tích cóp, vừa vay mượn để đầu tư vào SX bỗng tan thành mây khói.

“Vợ tôi bị sốc, khóc như mưa. Đã vậy, lại bị mọi người chê cười, dè bỉu, kỹ sư chẳng ăn ai huống chi học lớp 5 lại đòi sáng chế”. Ai nói ngược nói xuôi mặc ai, anh động viên vợ và quyết theo tới cùng, phải mất bao nhiêu thời gian công sức, cuối cùng máy cũng được hoàn thiện. Máy từ 12 mã lực trở lên, công suất đạt từ 4.000 - 6.000 kg quả tươi/giờ.

Sau khi máy được hoàn thiện, anh tiến hành SX hàng loạt “máy tách vỏ cà phê” cung cấp cho bà con nông dân, do chất lượng của máy tốt, giá cả phù hợp, giảm được nhiều lao động, tiếng lành đồn xa, lượng người tới đặt mua máy ngày nhiều, SX không kịp.

Sau thành công này, anh Bảy tiếp tục cho ra đời máy tách vỏ cà phê (tươi và khô), máy dập lưới da cóc, máy bơm nước chuyên dùng cho tưới cà phê, lò sấy cà phê tự động, máy phân loại cà phê xanh và chín.

Là một nông dân "chính hiệu" mới học hết lớp 5, nhưng anh Bảy đã tự mày mò chế tạo ra những chiếc máy hữu ích phục vụ nông nghiệp và cung cấp rộng rãi cho bà con nông dân. Khi chúng tôi hỏi: "Những chiếc máy này đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa?". Anh Bảy cười và nói: “Tôi chỉ biết làm ra những chiếc máy bền, tốt, rồi bán phục vụ cho nông dân. Chứ từ hồi làm ra chiếc máy đầu tiên tới bây giờ, tôi chưa biết mang đi dự thi và cũng không biết đăng ký sở hữu trí tuệ như thế nào. Chắc tới đây tôi phải nhờ chuyên gia hay cơ quan nào giúp làm hồ sơ đăng ký mới được”.

Hiện tại anh Bảy đã mở xưởng SX máy móc nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động ở địa phương, trong đó có 3 lao động là bộ đội xuất ngũ, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các loại máy móc của anh Bảy được đánh giá có chất lượng tốt, giá thành rẻ, giúp người dân giảm thiểu ngày công lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Đối tác